Sau ngày Giáng sinh được nghỉ ngơi, Premier League sẽ trở lại vào cuối tuần này đúng dịp Lễ tặng quà như thường lệ.

Bên cạnh vấn đề lịch thi đấu vẫn là lý do quan trọng dẫn đến kết quả yếu kém của đội tuyển Anh trên đấu trường quốc tế nhiều năm qua thì việc giải Ngoại hạng Anh không còn là sân chơi cho các cầu thủ Anh nữa cũng góp phần dẫn tới hậu quả.

Đã có nhiều thống kê chỉ ra rằng, số cầu thủ người Anh tại Premier League hiện nay chỉ là “thiểu số” so với phần còn lại và loạt trận của vòng 17, thêm một thống kê khác chứng minh sự lép vế này. Hôm thứ Hai, Theo Walcott ghi 1 bàn thắng góp công giúp Arsenal giành thắng lợi trước Manchester City để qua đó bám sát vị trí đầu bảng của Leicester City. Đó hẳn nhiên là một trong những trận đấu lớn trong mùa giải của bóng đá Anh, thế nhưng, ngoài Walcott thì chỉ có thêm 6 cầu thủ người Anh khác tham dự. 7 cầu thủ chỉ chiếm 1/4 trong tổng số 28 cầu thủ có mặt trên sân trong 90 phút. Những con số chỉ ra một xu hướng tệ hại mà người Anh đang đi.

Bất chấp những nỗ lực đưa ra quy định về việc đăng ký số cầu thủ người Anh trong đội hình và ở các trận đấu thì tất cả vẫn không khó để nhận ra sự sụt giảm nghiêm trọng về những người “chủ nhà” trên sân cỏ. Cụ thể hơn, nếu như khi Premier League bắt đầu từ mùa giải 1992/93 có tổng cộng 387 cầu thủ người Anh trong tổng số 544 cầu thủ đăng ký ở các CLB – chiếm 71,1%, trong khi chỉ có 52 cầu thủ đến từ các quốc gia không thuộc Liên hiệp Anh hoặc CH Ailen, thì đến mùa 2004/05, tỉ lệ này còn 38,6% (199/515). Và bước sang mùa 2015/16, cũng chỉ còn 32% (146/456) cầu thủ người Anh thi đấu tại giải Ngoại hạng – giảm hơn một nửa so với thời điểm khởi đầu.

Thực ra, khi mà LĐBĐ Anh yêu cầu đăng ký thêm số cầu thủ người Anh thì 32% vẫn còn là tỉ lệ tăng so với mùa giải 2013/14, bởi thời điểm đó, số cầu thủ Anh đăng ký chỉ là 31.3%.

Sự sụt giảm số lượng cầu thủ Anh ở giải đấu hàng đầu trên chính quê hương là hậu quả của sự phát triển mạnh mẽ mà Premier League có. Sức hút hấp dẫn của giải đấu tạo điều kiện để tiền đổ về ngày càng nhiều, giúp các đội bóng có cơ hội vươn tới những quốc gia xung quanh cũng như những nơi xa xôi nhất để tìm kiếm các tài năng. Giờ đây, người hâm mộ có thể thấy các cầu thủ đến từ Albania hay Zimbabwe thể hiện mình tại Premier League, trong khi Burkina Faso là quốc gia mới nhất có cầu thủ xuất hiện với việc Chelsea đăng ký Bertrand Traore ở mùa giải này.

Đăng ký là một chuyện nhưng ra sân thi đấu lại là một chuyện khác. Sự hiện diện của 7 cầu thủ Anh trong trận Arsenal – Man City chỉ là 1 trong 10 trận đấu cuối tuần trước chứng kiến sự yếu thế của các cầu thủ Anh. Theo đó, có 82 cầu thủ Anh thi đấu ở 10 cặp đấu, trong khi phần còn lại của thế giới chiếm số lượng lớn. Đáng chú ý, Tây Ban Nha góp 20 cầu thủ, sau đó là các quốc gia Pháp (19), Hà Lan (14), Bỉ (13), CH Ailen (11), Wales (10), Argentina, Brazil (9), Scotland (8), Bắc Ailen, Senegal, Serbia (5), chưa kể số cầu thủ đến từ các quốc gia khác như Đức, CH Congo, Cameroon, Đan Mạch, Italia, Bờ Biển Ngà, Hàn Quốc, Ba Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Algeria, Áo, Benin, Ghana, Nigeria, Uruguay, Mỹ (đều có từ 2 cầu thủ trở lên).

Trong số 16 đội bóng sử dụng cầu thủ người Anh ở vòng 17, Bournemouth nhiều nhất, với 9 cầu thủ, trong khi Manchester United nằm trong số 3 đội dùng 5 người, Arsenal có 4 như Liverpool, Man City dùng 3, còn Chelsea chỉ có duy nhất 1 người.